Sức đề kháng của tinh thần,


( bài viết này có những trải nghiệm của cá nhân mình trong quá khứ về vấn đề sức khoẻ tinh thần, hi vọng bạn cân nhắc trước khi đọc)

Cụm từ này mình nghe được trong podcast của anh Dế sáng nay. Mình biết tới anh Dế cũng khá lâu nhưng thường là qua những video ngắn trên instagram hoặc tiktok ( ở mức độ thỉnh thoảng vì thường mình không tải app) chứ chưa bao giờ nghe hết một tập dài cả.

Mấy sáng nay đi bộ đạp xe, mình mang theo tai nghe để nghe những tập anh kể. Thực sự càng nghe mới càng thấy sao một người làm nội dung hay và dễ thương như vầy mà mình lại rất ít truy cập.

Tập này nói về một căn bệnh tâm lý mà chúng mình được nghe rất nhiều những năm gần đây- trầm cảm.

Anh Dế mở đầu bằng việc đọc một bức thư của bạn độc giả gửi cho mình, kể về những gì mà bạn ấy đã và đang trải qua, bạn ấy sống với trầm cảm như thế nào, và bạn đang đối diện với nó ra sao.

Cú twist của bức thư này khiến mình đang đạp xe mà phải khựng lại vì nổi da gà, lí do là người viết thư không ai khác – chính anh Dế.
Có một đoạn anh chia sẻ đại ý là, đến chính anh còn không nhận ra bệnh của mình, bạn bè xung quanh thì càng không vì anh lúc nào cũng mang đến cho mọi người sự tích cực, lạc quan, yêu đời. Với các bạn, một người như Dế không thể nào mà trầm cảm cho được.

Mình thực sự rất rất hiểu cảm giác này, vì chính mình cũng là từng trầm cảm rất nặng.

Mình nhớ những ngày cấp 3 mà đáng lẽ ra bản thân nên sống với những mười bảy, mười tám đẹp nhất thì trầm cảm đã gần như bóp nghẹt mình.
Mình sợ việc đến trường, mình mất khả năng giao tiếp, mình gần như không thể nói chuyện với ai một cách bình thường bằng một câu bình thường, kể cả với người thân của mình.

Mình liên tục muốn đốt hết sách vở nhưng lại cắm đầu vào học như một người điên.
Mình không ngủ được, cũng không ăn được,
Mình không có niềm vui cho bất cứ điều gì,
Mình sợ hãi, người mình thường xuyên run lên, và các dây thần kinh lúc nào cũng như căng ra muốn nổ tung.
Mình thường xuyên tự làm đau bản thân để có thể dễ chịu hơn với từng đợt sóng trào lên trong người. Các vết bút đâm vào tay, những vết quầng do mình đấm vào tường ngày một nhiều.

Đỉnh điểm là có những hôm ở lớp, cô chủ nhiệm dạy thêm giờ dù đã hết tiết 5 ( hồi đó tiết 5 ở trường mình là 11 rưỡi trưa), mình đã hét toáng lên rồi khóc nức nở. Cô và các bạn không biết có chuyện gì nhưng từ đó cô cũng không bao giờ dạy thêm giờ nữa.

Mình luôn sống trong cảm giác không thở được và với một đứa mười 16, 17 như mình lúc đó, thế giới chỉ có nhà với trường, internet ở quê thì không phát triển, mình đâu có biết mình bị gì đâu, và cũng chẳng biết tìm ai để kể, để mà tâm sự cả. Mình cứ nghĩ chắc vài bữa nó sẽ qua, nó sẽ hết thôi. Lâu dần thành nhiều và thêm nặng hơn, mình đã có những suy nghĩ về việc kết thúc sự sống tệ hại này, mình không chịu nổi nữa.

Nhưng có lẽ cũng là một sự may mắn, khi mà tiếng gào thét tuyệt vọng của một con bé không biết gì đang diễn ra với chính nó đã được gửi tới vũ trụ, và điều kì diệu diễn ra khi mình bắt đầu vô tình biết đến thiền. Mình xem được vài video trên youtube, xong từ đó tìm hiểu về nó nhiều hơn. Mình mua thêm sách về thiền để đọc, cuốn đầu tiên có tựa đề ” Gieo trông hạnh phúc” của thầy Thích Nhất Hạnh. Vậy là năm lớp 10, mình tiếp xúc với “Chánh niệm”, với thiền, với việc quan sát hơi thở, quán tâm, quán thân.

Mình thực hành nó bằng những hiểu biết nhỏ xíu của bản thân, ngày qua ngày, mình dần bình tĩnh hơn với chính mình, dần cảm thấy việc thở không còn khó khăn nữa, và dần biết yêu thương mình hơn, biết quan sát từng điều nhỏ xíu, biết trân trọng từng điều thường nhật diễn ra, biết ơn vì những gì bản thân đang có. Mình yêu đời hơn, tích cực hơn, lạc quan hơn… Thời điểm đó, cũng đã gần 3 năm ( lúc mình hết lớp 12)

Có một điều mình rất ít khi kể với mọi người về lí do chọn học ở Đà Nẵng mà không phải Hà Nội hay Sài Gòn, nơi có thật nhiều những cơ hội và cả những giấc mơ; thì trầm cảm chính là nguyên nhân đó. Dù thời điểm chọn trường bệnh của mình gần như đã nhẹ hơn rất nhiều so với 3 năm trước, nhưng thỉnh thoảng nó vẫn trở lại ít thì 1 tháng 1 lần, dài thì 3 tháng, 6 tháng một lần.
Và nghĩ đến viễn cảnh mình sống ở một thành phố lớn, trong một căn nhà trọ bốn bức tường, mọi thứ đều nhanh và xô bồ tấp nập, sức đề kháng tinh thần của mình có thể sẽ không nào chịu nổi.

Vậy đó, trong khi các bạn đồng trang lứa của mình tìm ngành học, chọn trường này trường kia, thì mình chọn nơi mà bản thân muốn sống trước- một nơi dễ thở cho mình trước. Thì Đà Nẵng là một thành phố như thế, một thành phố có biển vì mình là một đứa siêu cuồng biển, một thành phố có núi, có sông.

Lại thêm một lần 3 năm nữa, mình đang viết về 2019, 2022, rồi giờ là 2025, để nhìn lại.
Một hành trình khá dài để đi đến tận đây, mình thực sự biết ơn vì bản thân đã chưa bao giờ từ bỏ chính mình. Biết ơn vì người thân, bạn bè vẫn luôn yêu thương và giúp đỡ mình. Biết ơn vì những mối duyên lành mà mình có được ở mỗi chuyến đi, mỗi cuộc gặp gỡ, dù ngắn dù dài.
Mình của hiện tại, dù còn chưa hiểu mình siêu siêu nhiều, nhưng thực sự luôn biết ơn vì bản thân vẫn đang được sống trong những ngày bình thường ( nhiệm vụ của mình là tập sống sao cho trọn vẹn trong từng phút giấy thui)

Bài viết cũng khá dài rồi, nên có thể mình sẽ chia sẻ ở những post sau và hẹn là về những điều tích cực hơn nhén. Xin lỗi cậu vì nếu những trải nghiệm trên không mấy dễ thương và ảnh hưởng đến năng lượng của cậu. Cảm ơn cậu, thiệt thiệt nhiều, vì vẫn luôn ở đây, với mình.

Em cảm ơn anh Dế, vì một tập podcast siêu dũng cảm nhưng cũng siêu dịu dàng. Cảm ơn anh Dế vì đã không từ bỏ bản thân mình, để có một Dế hiện tại, trở thành động lực cho em rất rất nhiều. <3

Posted in

Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *